Tin Tức
Xuất khẩu dệt may ngắc ngoải vì... ổn định tỷ giá
Ngày cập nhật: 04-26-2017
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2016, xuất khẩu nhóm hàng dệt may không có nhiều đột phá, tăng trưởng ở các thị trường chính đều dưới mức 5% và là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 6 năm qua.
Sang nửa đầu tháng 8 (từ ngày 1/8-15/8/2016), hàng dệt may xuất khẩu tiếp tục giảm 4%, tương ứng giảm 45 triệu USD.
Nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng và phải cạnh tranh khốc liệt. Do vậy, ngay cả khi đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu giảm xuống còn 29 tỷ USD thì mục tiêu này cũng khó mà đạt được khi tăng trưởng của xuất khẩu dệt may đến tháng 7/2016 mới chỉ đạt 13,15 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, từ nhiều tháng nay, đơn hàng dệt may giảm sút nghiêm trọng. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp dệt may hiện mới chỉ đạt bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP may Hưng Yên, cho biết, nếu những năm trước, đến thời điểm này doanh nghiệp của ông hầu hết đã có đơn hàng để ký hợp đồng đến hết năm thì năm nay, mặc dù đã đến cuối tháng 8 nhưng nhiều đơn vị vẫn chưa đủ việc, thậm chí đang phải ăn đong.
Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu, khó khăn này được Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sông Hồng, ông Bùi Đức Thịnh cho là giai đoạn “bĩ cực” vì doanh thu giảm, lợi nhuận giảm và đơn hàng không đủ để sản xuất.
Không chỉ đơn hàng giảm mà giá xuất khẩu của hàng dệt may cũng giảm từ 10% - 20%. “Hầu hết các đơn hàng đều yêu cầu giảm giá từ 10-15%, thậm chí có đơn hàng yêu cầu giảm 20%. Tuy nhiên, để duy trì sản xuất chúng tôi vẫn phải nhận để làm”, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP may Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thị trường dệt may xuất khẩu gặp khó khăn trong thời gian qua ngoài những yếu tố khách quan tác động như nền kinh tế một số nước nhập khẩu dệt may Việt Nam đang gặp khó khăn, sự kiện Brexit ở Anh… Tuy nhiên, một trong những khó khăn của ngành dệt may bắt nguồn từ chính sách giữ tỷ giá của Việt Nam ổn định.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong khi các đồng tiền khác ở những thị trường nhập khẩu chính đã điều chỉnh rất mạnh. Ngoài ra, lãi vay ngân hàng quá cao, ở mức 8% - 10%/năm, gấp từ 2 đến 4 lần so với nhiều nước. Những yếu tố này khiến hàng dệt may Việt Nam đắt hơn các nước đối thủ cạnh tranh từ 20% - 30%.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng công ty CP may Hưng Yên dẫn chứng cụ thể: Đồng Euro châu Âu điều chỉnh giảm 18%, đồng Yên của Nhật Bản giảm 17%, và Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 8%... Tuy nhiên, tỷ giá đồng Việt Nam chỉ điều chỉnh 1-2%, khiến hàng hóa Việt Nam trở nên đắt đỏ không thể cạnh tranh được với hàng của các nước khác.
Ngoài ra, mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc đã quyết định điều chỉnh lương lương tối thiếu vùng tăng vào năm 2017 là 7,3%. Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước cho rằng, quyết định tăng lương sẽ tiếp tục là gánh nặng cho doanh nghiệp dệt may khi những khó khăn của ngành dệt may chưa được tháo gỡ.
Chia sẻ với PV Infonet, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm cho hay, quyết định tăng lương từ năm 2017 sẽ khiến doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn, tác động lớn đến chi phí của các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp dệt may như chi phí nhân công tăng, mức đóng bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn cũng tăng theo nên khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ bị giảm.
Các tin khác
- LÝ DO DỆT MAY VIỆT NAM LAO ĐAO , DỆT MAY NHIỀU NƯỚC VẪN SỐNG KHỎE
- Đầu tư cổ phiếu dệt may Cần thêm chất vải tốt và bền
- XANH HÓA NGÀNH DỆT MAY
- Dệt may Việt Nam nên theo hướng mua nguyên liệu, bán thành phẩm
- Kinh tế chuyển dịch tích cực
- Dệt may và chuyện những kẻ
- Công nghiệp 4.0 tác động gì đến ngành dệt may Việt Nam?
- Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 2
- Dệt may bước vào cuộc chơi mới
- Ngành dệt may phấn đấu đạt mục tiêu hơn 30 tỷ USD năm 2017